Danh mục sản phẩm
Nhà đất-Bất động sản
Liên Doanh Việt Nhật
Pomina
Thép Miền Nam
HVUC
Thép Hòa Phát
Bảng giá sắt thép
Sản phẩm phụ
Hỗ trợ trực tuyến
Ms Phương Chat with me
Tin tức
Con trai Nguyễn Huy Tưởng thăm nhà lưu niệm Sơn Nam
Ngày đăng: 28/10/2011
Ngày 10/10, tại Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang, ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và vài cây bút TP HCM đến thắp hương, dâng tặng lên bàn thờ "ông già Nam Bộ" cuốn sách mới biên soạn: "Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê".

Sách Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê do nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện. Khi trao ấn phẩm này cho chị Đào Thúy Hằng, con gái lớn của cố nhà văn, ông Nguyễn Huy Thắng, đại diện NXB Kim Đồng, chia sẻ: sách mỏng manh, chỉ hơn 50 trang, nhưng gói trong đó tất cả tấm lòng của những người yêu quý "ông già Nam Bộ".

Từ trái qua: Vợ chồng chị Thúy Hằng, con gái và con rể của nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Huy Thắng, nhà thơ Lê Minh Quốc trước bàn thờ của cố nhà văn.
Từ trái qua: Vợ chồng chị Thúy Hằng, con gái và con rể của nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Huy Thắng, nhà thơ Lê Minh Quốc trước bàn thờ của cố nhà văn.

Chỉ qua tập sách nhỏ, bạn đọc có thể nắm rõ sinh quán quê nhà của Sơn Nam, cội nguồn sáng tạo chảy xuyên suốt trong quá trình gắn bó với chữ nghĩa của ông. Sách cũng phác thảo lại quá trình tham gia cách mạng, bắt đầu viết lách đến khi thành danh trong nghiệp viết, lưu lại Sài Gòn cho đến những ngày cuối đời của Sơn Nam.

Ấn phẩm này nằm trong bộ sách Nhà văn của em của NXB Kim Đồng, nhằm mục đích để các bạn đọc trẻ có thể tiếp cận các tên tuổi của làng văn Việt Nam gần hơn, cô đọng và nhanh hơn trong thời buổi sách đang chịu "lép vế" trước nhiều phương tiện nghe nhìn, giải trí.

Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Trước bàn thờ của cố nhà văn, chị Thúy Hằng xúc động nghẹn ngào cầm trên tay những quyển sách mới tinh viết về cha. Chị Hằng nói, khi được tin có đại diện NXB Kim Đồng cùng các bạn văn về Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang để tặng sách, gia đình rất cảm động.

Gia đình Sơn Nam chia sẻ, sinh thời, khi còn nằm trên giường bệnh, Sơn Nam nhiều lần trăn trở làm sao để tác phẩm của ông đến gần với bạn đọc hơn khi sách bây giờ in bìa cứng, giấy đẹp, nhưng giá lại cao quá...

"Trước và sau năm 1975, trong sách giáo khoa văn của học sinh đều có in tác phẩm của cha tôi nhưng không có nhiều em biết rõ về Sơn Nam. Những quyển sách như Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê của Lê Minh Quốc biên soạn sẽ giúp các em tiếp cận ba tôi dễ hơn. Bản thân tôi là cô giáo dạy văn nên rất mừng, tâm đắc và xúc động với nghĩa cử này", chị vừa nói vừa vuốt ve bìa sách có in bức chân dung mang khuôn mặt khắc khổ, hiền từ của cha mình.

Cuốn Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê được đặt tại tủ sách của Nhà lưu niệm Sơn Nam để phục vụ bạn đọc. Nhà lưu niệm này nằm trên mảnh đất khoảng 1.500 m2 bên bờ kênh Bảo Định (xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang), do chính vợ chồng chị Đào Thúy Hằng xây dựng sau khi ông qua đời. Trước sân nhà có phù điêu đá tạc chân dung Sơn Nam do họa sĩ Nguyễn Sánh thực hiện. Khách cũng có thể đứng trầm ngâm trước tảng đá chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ Hương rừng Cà Mau với những dòng bất hủ: "... Thân không là lính thú. Sao chưa về cố hương?".

Nhà được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống Việt Nam, thoáng đãng, lợp mái ngói đỏ tươi. Quanh nhà có ao tự nhiên, có hàng cau, bụi tre, có dòng sông Bảo Định chảy hiền hòa phía trước, tiếng chim cu rủ rỉ trong những tán cây. Màu cỏ xanh pha màu hoa trâm ổi, hoa bìm bìm, sao nhái... xinh thắm tạo cảnh quan mát mẻ, hiền hòa cho khu nhà.

"Lúc trước, ông bà nội tôi sống bằng nghề bán cau, bán tre... Tôi và chồng muốn mang không khí quê nội đến cho khu nhà lưu niệm này để ba dưới chín suối cũng thấy hài lòng", chị Hằng nói.

Trong nhà lưu niệm có hàng trăm cuốn sách, thủ bút của cố nhà văn cũng như nhiều kỷ vật gắn bó với ông như chiếc áo sờn, những chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Gia đình Sơn Nam cho biết, khu lưu niệm này sẽ ngày càng được bổ sung về tư liệu cũng như đón nhận những vật kỷ vật mà bạn đọc gần xa - những ai từng có cơ hội giữ các vật lưu niệm gắn bó với cố nhà văn - trao tặng lại.

"Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi đón rất nhiều khách đến tham quan, thắp hương cho ba tôi. Cũng có công ty du lịch đề nghị đưa Nhà lưu niệm Sơn Nam vào chương trình tour phục vụ khách của họ nhưng gia đình không đồng ý. Mục đích chúng tôi lập khu nhà vừa là để thờ phụng cha vừa như là nơi để bạn văn, hay bất kỳ độc giả nào có thể đến thăm, chia sẻ tình yêu sách vở với ba tôi", chị Hằng bày tỏ.

Sau khi dâng sách lên bàn thờ nhà văn Sơn Nam, đoàn nhà văn ghé qua Bến Tre về thăm lão nhà văn Trang Thế Hy.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn với trái ổi trong vườn nhà của Trang Thế Hy.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn với trái ổi trong vườn nhà của Trang Thế Hy.

Nếu Sơn Nam được gọi là "Ông già Nam Bộ" thì Trang Thế Hy cũng được bạn đọc, bạn văn yêu quý đặt cho tên "Người hiền của văn học Nam Bộ". Ở tuổi gần 90, Trang Thế Hy từ lâu rời xa náo nhiệt của thành thị, về sống yên bình ở gian nhà tuềnh toàng nằm giữa mảnh đất rộng, xanh màu cây trái của gia đình ông ở Bến Tre.

Thấy đoàn khách nơi xa ghé thăm, lão nhà văn rất vui mừng. Ông pha trà đãi khách, ngồi tiếp chuyện khách trong tiếng sấm ầm ì của cơn mưa sắp đổ. Tác giả tập thơ Đắng và ngọt vẫn tinh anh trong ánh mắt, giọng nói. Tuổi cao, sức cũng yếu nhưng ông vẫn còn có thể cảm nhận được vị ngon của ly rượu Phú Lễ, chất đắng ngọt của chung trà Bắc, vẫn đọc báo, nghe radio để cập nhật tin tức hàng ngày. Dịp giỗ của Sơn Nam vừa qua, ông cũng sang Nhà lưu niệm ở Tiền Giang để thắp nén hương.

Nhà văn Trang Thế Hy đứng trước cổng nhà ở Bến Tre.

"Tôi là một nhà thơ có viết văn xuôi", ông trò chuyện với khách kèm theo cái cười sảng khoái. Trang Thế Hy nói nhiều về thơ. Với ông, thơ là "chúa tể" của văn chương. Ông cho biết rất yêu thơ Văn Cao và Tagore. Nói rồi, lão nhà thơ đọc tặng khách một vài câu trong bài Trò chơi bên bờ suối của Văn Cao: "Tôi thả một chiếc lá, chiếc lá trôi đi. Tôi thả chiếc thuyền giấy, thuyền giấy trôi đi. Tôi ôm em trong đôi cánh tay, em vẫn cứ trôi đi...". Đoạn ông tiếp bằng đoạn thơ của Tagore: "...Khi đã rời khỏi bụng mẹ, đứa trẻ sơ sinh mới thấy mặt mẹ nó, giờ đây khi đã bị em xua đuổi, xa ra khỏi cuộc đời của em rồi, tôi mới nhìn thấy dung nhan em...".

Kết thúc buổi ghé thăm ngắn ngủi, giọng đọc thơ nhỏ nhẹ của Trang Thế Hy vẫn theo mãi những vị khách trong đoàn, kể cả khi đã rời khỏi khu vườn xào xạc cây lá chiều trở gió của "người hiền Nam Bộ".

Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thép Mạnh Tú
Địa chỉ: 487A, Hà Huy Giáp. P. Thạnh Lộc, Q.12   |   Điện thoại: 08-3712 3815    Fax: 08-3712 3816
Email: manhtusteel@yahoo.com.vn  |   www.manhtusteel.com.vn

Designed by Rubik.net.vn